Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

BIỆT THỰ PHỐ PHONG CÁCH HIỆN ĐẠI


BIỆT THỰ PHỐ PHONG CÁCH HIỆN ĐẠI - QUẬN THỦ ĐỨC

Biệt thự nằm trên một khu đất không được ưu ái về diện tích, nhưng mơ ước sở hữu ngôi biệt thự vẫn không hề lung lay trong tâm trí của gia đình. Thật ra, đây cũng là mong muốn của nhiều gia đình và không phải là không có cách giải quyết, nhưng phương pháp và hướng giải quyết nào là hiệu quả, để tạo dựng một kiến trúc biệt thự, đánh lừa được thị giác và cảm quan của người nhìn về hình ảnh của ngôi biệt thự bề thế và khang trang.

Ý nghĩa của một kiến trúc biệt thự phố dù theo phong cách cổ điển hay hiện đại như thiết kế của gia chủ ở quận Thủ Đức không nằm ở sáng kiến thiết kế các mảng tường rộng lớn, những cột trụ cao to bề thế, chỉ có thể đáp ứng một cách tạm bợ mặt thẩm mỹ của biệt thự, nhưng lại khống chế không gian sinh hoạt quá nhiều.


Thiết kế biệt thự phố ba tầng - Ảnh 1

Thiết kế không sân vườn, không hồ bơi, không một biểu trưng nào để nhìn vào, nhận ra ngay đây là một ngôi biệt thự, trừ chính bản thân ngôi biệt thự đó. Vì vậy, nếu nói biệt thự phố khó thiết kế hơn biệt thự vườn cũng chẳng ngoa. Diện tích quá lớn hoặc quá nhỏ với tiêu chuẩn thông thường luôn là thử thách để làm nên nghệ thuật

"Biến hóa" diện tích nhỏ thành biệt thự lớn

Tiện dụng và sang trọng trong thiết kế biệt thự phố phải luôn song hàng, không nghiêng lệch, ưu ái cho riêng một khía cạnh nào. Nên khái niệm "biến hóa" ở đây chính là sự dung hợp, tương xứng giữa không gian nội thất và ngoại thất. Vậy thì, những nguyên tắc, quy chuẩn trong xây dựng và trang trí cần được đào sâu và nghiên cứu kĩ lưỡng, bởi bất kì sai sót nào cũng sẽ làm hỏng đi kiến trúc của biệt thự phố.
Ngôn ngữ của màu sắc

Mỗi vật liệu đều có tiếng nói, hơi thở riêng của mình, nhưng để thổi hồn vào ngôi nhà, thì phải cần thêm bàn tay thiết kế khéo léo sắp đặt, tạo hình chất liệu đúng vị trí của nó. Trong nguyên tắc thiết kế, không gian nhỏ ưa được dùng sơn tường trắng, để cơi rộng diện tích không gian nội thất, làm tầm nhìn đi xa. Vậy nên, thiết kế biệt thự phố cứ y theo nguyên tắc cơ bản đó mà làm, vừa giải quyết được vấn đề khó khăn, lại không làm xấu đi thẩm mỹ của biệt thự, vì vốn dĩ trắng luôn là màu "hot" trong kiến trúc, xây dựng.

Ngôi nhà cũng giống như bộ trang phục luôn cần một chi tiết khác biệt làm điểm nhấn, nổi bật chủ thể chính. Nền trắng tuy đẹp, nhưng đó là cái đẹp đơn thuần lâu dần dễ nảy sinh tâm lý nhàm chán, đơn điệu cho những người sống trong đó. Một chi tiết thiết kế tinh tế, đơn giản như hệ lam chắn nắng được sơn nâu, hay những cánh cửa gỗ nâu, lại đem đến nét duyên mặn mà cho vẻ đẹp tinh khiết của ngôi biệt thự phố.


Phác thảo mặt tiền phụ của biệt thự - Ảnh 2

Màu sắc không cần nhiều, chỉ với hai gam màu đơn giản nhưng là sự đơn giản được chắt lọc, trau chuốt để mang lại một không gian kiến trúc "đẹp" ở mọi công năng. 

Tiết tấu không gian

Thiết kế trước hết làm nhiệm vụ để ở, nhưng đây là một không gian ở hướng đến nhu cầu tận hưởng cuộc sống, nên không gian sinh hoạt phải được tính toán và đặt để ở nơi thích hợp. Thiết kế vẫn chọn phương pháp dùng tầng 1 cho sinh hoạt chung của gia đình với hai khu vực chính là phòng khách và bếp. Những không gian sinh hoạt cá nhân như phòng ngủ, hay không gian sum họp riêng của gia đình đều nằm ở tầng 2 và tầng 3 của biệt thự. Có khác chăng là trong thiết kế biệt thự phố không có sân vườn, nên gia đình ưu ái dành cả mặt tiền hai tầng lầu cho những khoảng xanh nhỏ xinh xắn, toàn bộ phòng sinh hoạt đều đưa ra phía sau và được ngăn cách bằng cầu thang.

Ngoài ra, để tạo hình biệt thự phố hai mặt tiền, ban công kính được thiết kế vuông vức ở phần hiên, giúp định hình không gian biệt thự rất nhiều, tạo vẻ bề thế, kiên cố và vững chãi cho biệt thự. Bên cạnh đó, nếu quan sát tổng thể biệt thự từ bên ngoài dễ dàng nhận ra biệt thự được chia làm ba khu vực khu: khu vực phòng sinh hoạt cá nhân nằm phía cuối nhà, khu vực sinh hoạt tập thể có vườn nhỏ và khoảng cầu thang chính giữa được thiết kế hệ lam chống nắng màu nâu.

Mời thiên nhiên vào nhà

Vì biệt thự phố có diện tích không được cân xứng. Bề ngang mặt tiền hẹp trong khi bề sâu của biệt thự lại bị giới hạn tầm nhìn ờ một bên nhà, nên ánh sáng thiên nhiên là vấn đề khó khăn cho thiết kế. Vì biệt thự không có vườn, thì nay cũng đã đem vườn cây lên cao, nhưng vườn mà thiếu ánh sáng cũng trở nên vô nghĩa. 


Thiết kế mặt tiền chính biệt thự phố - Ảnh 3

Nắng, gió và ánh sáng thiên nhiên chính là hơi thở của một ngôi nhà. Nó nằm ngoài thiết kế nhưng lại tác động rất lớn đến không gian sinh hoạt của biệt thự. Vì vậy, nếu chỉ mang được thiên nhiên vào nhà từ hai mặt tiền của biệt thự, để làm sống một phần ngôi nhà, thì thiết kế "mời" thiên nhiên vào nhà từ mái biệt thự là lối dẫn cho hơi thở của toàn bộ biệt thự. Kiến trúc sư đã nâng phần mái bằng của biệt nhô lân khỏi khối nhà, tạo một khoảng hở nhỏ nhưng thông suốt từ mái cho đến vách tường phía lưng biệt thự. Nguồn sáng trời từ bốn phía làm xua tan đi cái cảm giác của nhà phố, khiến ai bước vào nhà cũng sẽ ngỡ như đang ở biệt thự sân vườn.

Hơn thế, cũng cần phải nhắc đến hệ cửa kính lớn thiết kế đều khắp ba tầng lầu của biệt thự và cả khu vườn được ví như "nhà kính" trồng cây trên ban công tầng hai đã tạo điểm dừng lý tưởng cho thiên nhiên. Một không gian mà thiên nhiên được mời vào và ở lại cùng gia đình.

Biệt thự phố chỉ là cách gọi để phân biệt biệt thự nằm trên mặt phố với biệt thự có khu vườn bao quanh, nên chỉ cần tinh tế, sáng tạo một chút thì dù với diện tích thế nào, gia đình vẫn có thể hoàn thành mong ước sở hữu một ngôi biệt thự của mình.

Ngọc Quyên - Nhà Đẹp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét